Doanh nghiệp du lịch Hà Nội ''bắt tay'' nhau để ứng phó với dịch Covid-19
Ngày 31-7, Sở Du lịch Hà Nội có buổi làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bàn về các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Chung tay vượt qua khó khăn

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 7, có 28 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố đã đưa 6.681 khách đến Đà Nẵng. Từ ngày 28-7 đến 30-7, có 7.503 khách của 22 đơn vị lữ hành Hà Nội hủy tour nội địa tại nhiều điểm du lịch.

Đánh giá tình hình này, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, việc các công ty lữ hành cần làm lúc này là xử lý yêu cầu hoãn, hủy tour của du khách. Theo ông Nguyễn Công Hoan, ngành Du lịch đã phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" thì nên chăng lúc này có thêm cuộc phát động người Việt Nam chung tay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, có thể bảo lưu tour sang thời điểm thích hợp hoặc đổi bằng vourcher du lịch đến địa điểm khác...

5336-33386614-1493410377470421-4915249316156669952-o-1596702779.jpg

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng cần có sự vào cuộc và cùng chia sẻ khó khăn của 3 bên: Lữ hành, hàng không và hệ thống cung cấp dịch vụ (lưu trú, điểm đến).

Ông Phùng Quang Thắng đề xuất, các hãng hàng không cần có chính sách cụ thể trong việc hoàn hoặc hoãn chuyến đối với các khách đoàn. Các cơ sở lưu trú và điểm đến cũng nên mở rộng thời hạn đón khách để những khách không thực hiện được chuyến du lịch thời gian này có thể đi vào thời điểm khác với giá trị tiền không đổi.

Tại cuộc gặp gỡ, đại diện ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air cho biết, đã nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho ngành Du lịch nhưng vẫn cần sự chia sẻ, chung tay của các đơn vị. Hiện nay, nhiều vé lẻ sẽ khó được hoàn, hủy, nhưng với khách đoàn của các công ty du lịch, các hãng hàng không cố gắng có chiến lược để khách đổi chuyến có chịu phí chênh lệch. Riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines đã có chính sách để khách bảo lưu vé đến tháng 6-2021.

Bảo đảm an toàn của người dân là trên hết

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Sở tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố rà soát, tổng hợp những khách đi từ Hà Nội đến vùng có dịch hoặc những du khách ở vùng có dịch sau đó đến Hà Nội. Đồng thời, Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị chủ động nắm bắt thông tin để điều chỉnh các chương trình, kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố cho phù hợp.

Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch và các câu lạc bộ du lịch Hà Nội; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố cập nhật thông tin dịch Covid-19, tạm hoãn một số hoạt động tập trung trong tháng 8 đến thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các đơn vị lữ hành tiếp tục chuẩn bị các sản phẩm mới, để khi dịch được kiểm soát thì Hà Nội sẽ là một trong những địa phương sớm thực hiện kích cầu du lịch trở lại.

thu-hoi-an-01-1568797993-1596703091.jpg

Bên cạnh những giải pháp xử lý khủng hoảng do dịch Covid-19, Sở Du lịch và các đơn vị lữ hành, điểm đến đều xác định, thời điểm này, bảo đảm an toàn cho người dân là quan trọng nhất. Tất cả các đơn vị đều đã "kích hoạt" trở lại hệ thống phòng, chống dịch, như: Đặt dung dịch sát khuẩn, yêu cầu du khách đeo khẩu trang; tổ chức khai báo y tế cho du khách, đo thân nhiệt tại các điểm di tích, tham quan...

"Lúc này, dịch Covid-19 đang có diễn biến mới, các đơn vị dịch vụ trên địa bàn thành phố cần bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho du khách, nhân viên phục vụ, tuyệt đối không được chủ quan", ông Trần Trung Hiếu cho biết.

Theo Báo Hà Nội mới.

Ngày đăng: 03/08/2020
Tin khác

Cuối tháng 4/2020, Tập đoàn tư vấn khách sạn hàng đầu C9 Hotelworks and Delivering Asia Communications đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 1.000 người Trung Quốc ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến về ý định đi du lịch trong năm 2020 sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi.

Năm 2019, du lịch Việt Nam chứng kiến sự tăng vọt kỷ lục của du khách đến từ Thái Lan (+45,9% so với 2018), đạt 510 nghìn lượt. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong các thị trường nguồn gửi khách đến Việt Nam trong năm 2019. Nhìn chung, từ năm 2015 đến năm 2019, khách Thái Lan đến Việt Nam tăng 2,4 lần, mức tăng trưởng bình quân đạt 24,1%/năm.

Du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và được dự đoán sẽ là một trong những ngành cần nhiều thời gian nhất để có thể phục hồi hoàn toàn. Dẫu vậy, có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng Việt Nam một lần nữa sẽ trở thành một minh chứng điển hình về khả năng phụ hồi sau đại dịch.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền đối với căn hộ, biệt thự du lịch.

Dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản ngủ đông tạm thời. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, thị trường sẽ có một “cơn sóng” bùng nổ, khi mà nhu cầu bị nén lại quá lâu như một cái lò xo.