Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép trong quý II/2020
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý II/2020, tổng hợp số liệu từ 54/63 địa phương báo cáo. Theo đó, dù thị trường vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục phát triển.

Cụ thể, đối với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, quý II/2020 có thêm 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch, 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.

Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép cũng tăng hơn so với quý I/2020, cụ thể tại một số địa phương trọng điểm như: Khánh Hòa cấp phép 3 dự án (quý I/2020 là 0 dự án), Phú Yên cấp phép 2 dự án (quý I/2020 là 0 dự án).

batdongsannghiduong-1565367841-1596702520.jpg

Trong quý II, có 22 dự án (bằng 69% quý 1/2020) được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng căn hộ condotel là 668 căn (bằng 27% quý I/2020); biệt thự du lịch vẫn giống quý I/2020 khi không có căn hộ nào được nghiệm thu; văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) là 931 căn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, do lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh qua hàng năm, nên từ năm 2015 đến nay, những nhà phát triển BĐS đều tập trung khai thác thế mạnh này thông qua những sản phẩm du lịch - nghỉ dưỡng, đặc biệt là tại khu vực ven biển. Xu hướng này đang có sự chuyển dịch lên vùng núi và các khu vực ven đô, gần đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

“Cùng với những khu nghỉ dưỡng ven biển, BĐS nghỉ dưỡng ở vùng trung du, miền núi đang tạo sự đa dạng phong phú trong chuỗi sản phẩm trên thị trường. Nó nằm trong sự tính toán của các nhà đầu tư phát triển dự án, phục vụ nhiều hơn nhu cầu đầu tư của khách hàng. Mọi người cũng thích hòa mình trong cảnh quan thiên nhiên hoặc chơi các môn thể thao, phù hợp với không gian của núi rừng và vùng ven đô” - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam nhận định.

condotel-vietnamnet-1596702537.jpg

Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Trần Quốc Việt cho rằng, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn chế độ sử dụng đất, chứng nhận quyền sở hữu cho sản phẩm bất động sản mới như condotel, biệt thự du lịch... đã góp phần làm rõ hành lang pháp lý ổn định cho sản phẩm này phát triển.

“Khẳng định sản phẩm condotel, officetel là loại hình sản phẩm không phải nhà ở mà là căn hộ du lịch, nghỉ dưỡng; quyền sử dụng đất là có thời hạn đã góp phần làm ổn định thị trường, mang lại tâm lý tốt hơn cho chủ đầu tư và nhà đầu tư. Đây là lý do nhiều dự án tiếp tục được cấp phép đầu tư” - ông Việt nhìn nhận.

Theo Báo Kinh tế đô thị

Ngày đăng: 06/08/2020
Tin khác

Cuối tháng 4/2020, Tập đoàn tư vấn khách sạn hàng đầu C9 Hotelworks and Delivering Asia Communications đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 1.000 người Trung Quốc ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến về ý định đi du lịch trong năm 2020 sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi.

Năm 2019, du lịch Việt Nam chứng kiến sự tăng vọt kỷ lục của du khách đến từ Thái Lan (+45,9% so với 2018), đạt 510 nghìn lượt. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong các thị trường nguồn gửi khách đến Việt Nam trong năm 2019. Nhìn chung, từ năm 2015 đến năm 2019, khách Thái Lan đến Việt Nam tăng 2,4 lần, mức tăng trưởng bình quân đạt 24,1%/năm.

Du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và được dự đoán sẽ là một trong những ngành cần nhiều thời gian nhất để có thể phục hồi hoàn toàn. Dẫu vậy, có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng Việt Nam một lần nữa sẽ trở thành một minh chứng điển hình về khả năng phụ hồi sau đại dịch.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền đối với căn hộ, biệt thự du lịch.

Dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản ngủ đông tạm thời. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, thị trường sẽ có một “cơn sóng” bùng nổ, khi mà nhu cầu bị nén lại quá lâu như một cái lò xo.